Nội dung
BÀI 4
BỆNH SUY TIM
MỤC TIÊU
– Trình bày được các nguyên nhân chính của suy tim;
– Mô tả và phát hiện được các triệu chứng lâm sàng của suy tim;
– Trình bày được hướng điều trị bệnh nhân suy tim – ngăn ngừa suy tim tiến triển.
NỘI DUNG
I.ĐẠI CƯƠNG
Suy tim là hậu quả cuối cùng của các bệnh van tim, bệnh cơ tim và các bệnh khác ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Trong điều kiện sinh lý luôn có sự điều hoà để đảm bảo sự thăng bằng giữa hoạt động của tim và nhu cầu của cơ thể. Khi suy tim, sự thăng bằng đó mất đi, tim không đủ khả năng để đảm bảo nhu cầu của ngoại biên nữa.
Định nghĩa: Suy tim là trạng thái bệnh lý trong đó cung lượng tim không đủ đáp ứng với nhu cầu có thể về mặt oxy trong mọi tình huống sinh hoạt của bệnh nhân.
Về phân loại, có suy tim trái, suy tim phải, biểu hiện lâm sàng khác nhau, và thể thứ ba là suy tim toàn bộ.
- NGUYÊN NHÂN
1.Suy tim trái
Do các bệnh gây ứ máu trong tâm thất trái hoặc do tâm thất trái phải làm việc nhiều, nên giãn ra và dẫn đến suy.
– Tăng huyết áp
– Một số bệnh van tim: Hở van hai lá, hở hay hẹp van động mạch chủ.
– Các tổn thương của cơ tim: Nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim (do thấp tim, nhiễm khuẩn hay nhiễm độc).
– Một số rối loạn nhịp tim: Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, cơn nhịp nhanh nhất, Blốc nhĩ thất hoàn toàn.
– Một số bệnh tim bẩm sinh: Còn ống độngmạch, hẹp eo động mạch chủ…
2.Suy tim phải
2.1.Một số bệnh phổi và dị dạng lồng ngực, cột sống
– Các bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, viêm phế quản mạn, giãn phế quản, bệnh bụi phổi…
– Các dị dạng lồng ngực.
– Gù, vẹo cột sống.
2.2.Một số bệnh tim mạch
– Hẹp van hai lá.
– Hẹp động mạch phổi.
– Thông liên nhĩ, thông liên thất
3.Suy tim toàn bộ
– Gồm: Các nguyên nhân đưa đến suy tim trái và suy tim phải.
– Cường giáp trạng: Bệnh Basedow.
– Thiếu Vitamin B1
– Thiếu máu nặng.
III. TRIỆU CHỨNG
1.Suy tim trái
1.1.Triệu chứng chức năng: Gồm các triệu chứng biểu hiện tình trạng ứ huyết ở phổi.
– Khó thở: Là triệu chứng thường gặp nhất. Lúc đầu chỉ khó thở khi gắng sức, về sau khó thở thường xuyên, bệnh nhân nằm cũng khó thở. Có khi khó thở thành cơn kịch phát như cơn hen tim, cơn phù phổi cấp.
– Ho: Thường xảy ra vào ban đêm hay khi gắng sức. Thường ho khan nhưng có khi ho ra đờm lẫn máu.
Cần chú ý: Ho có thể là dấu hiệu bắt đầu của một cơn khó thở kịch phát.
1.2.Triệu chứng thực thể
1.2.1.Khám tim
– Nhìn và sờ thấy mỏm tim đập hơi lệch sang trái.
– Nghe tim: Ngoài triệu chứng có thể gặp của một số bệnh van tim, đã gây nên suy tim trái, ta thường thấy 3 dấu hiệu:
+ Nhịp tim nhanh.
+ Tiếng ngựa phi.
+ Tiếng thổi tâm thu chức năng ở mỏm.
1.2.2.Ngoài ra, trong đa số các trường hợp, huyết áp tầm thu giảm, huyết áp tâm trương bình thường hoặc hơi tăng, nên số huyết áp chênh lệch bị nhỏ lại.
1.3. Cận lâm sàng
- quang: Cung dưới phình trái to, cả hai bên phổi bị mờ nhất là vùng rốn phổi.
– Điện tâm đồ: + Trục trái.
+ Dày nhĩ trái và dày thất trái.
2.Suy tim phải Gồm các triệu chứng biểu hiện tình trạng ứ máu ngoại biên.
2.1.Triệu chứng chức năng
– Khó thở: Khó thở thường xuyên, có thể ít hoặc nhiều nhưng khác với suy tim trái là không có các cơn khó thở kịch phát và không tăng lên ở tư thế nằm.
– Tim: Nhẹ thì chỉ tím môi, nặng thì tím cả mặt, đầu, ngón tay, ngón chân hay toàn thân.
– Ngoài ra, bệnh nhân hay có cảm giác đau tức ở vùng hạ sườn phải (do gan to và đau).
2.2.Triệu chứng thực thể
– Tĩnh mạch cảnh ngoài nổi to và di động, ấn vào vùng gan càng nổi to hơn (phản hồi gan – tĩnh mạch cổ dương tính).
– Gan to đều, mặt nhẵn, bờ tù mềm, khi sờ vào gan thấy đau. Lúc đầu, khi được điều trị, gan nhỏ lại (gan “đàn xếp”) về sau, do ứ máu lâu, nến gan không thu nhỏ được nữa và trở nên cứng.
– Phù: Mềm, lúc đầu chỉ ở hai chân, về sau, phù toàn thân, thậm chí có thể gây tràn dịch màng bụng, màng phổi.
– Khám tim: Ngoài các triệu chứng của bệnh gây suy tim phải còn thấy: Nhịp tim nhanh. Có nghe thấy tiếng thổi tâm thu chức năng ở ổ van 3 lá.
2.3.Cận lâm sàng
2.3.1.X. quang
– Cung dưới phải phình to.
– Mỏm tim cao lên.
– Rốn phổi đậm.
2.3.2.Điện tâm đồ
– Trục lệch phải.
– Dày nhĩ phải, dày thất phải.
3.Suy tim toàn bộ Là bệnh cảnh của suy tim phải ở mức độ nặng:
– Khó thở thường xuyên, phù toàn thân.
– Gan to nhiều, tĩnh mạch cổ nổi to.
– X.quang: Tim to toàn bộ.
– Điện tâm đồ: Có biểu hiện của dày cả hai thất.
- ĐIỀU TRỊ
1.Chế độ nghỉ ngơi: Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ và tùy giai đoạn của suy tim mà có chế độ nghỉ toàn phần hay mức độ.
Nói chung bệnh nhân cần hạn chế các hoạt động gắng sức. Trong trường hợp nặng phải nghỉ tại giường theo tư thế nửa nằm, nửa ngồi.
2.Chế độ ăn nhạt
– Ăn nhạt hoàn toàn khi phù nhiều. Trong các trường hợp khác có thể ăn được chút ít muối (1 g đến 2g/ngày).
– Hạn chế nước: Lượng nước đưa vào cơ thể người bệnh = số lượng nước tiểu ngày hôm trước + 300ml – 500ml
– Không dùng các chất kích thích: Rượu, cà phê, thuốc lá…
3.Thuốc
3.1.Thuốc lợi tiểu: Hypothiazit, Lasix, Aldacton
Chú ý: Khi dùng kéo dài cần bổ sung thêm Kaliclorua để tránh hạ Kali máu.
3.2.Thuốc trợ tim: Thường dùng các Glucosid trợ tim thuộc nhóm Digitalis: Digitoxin hay Digoxin.
3.3.Thuốc giãn mạch: Gần đây, bên cạnh các thuốc trợ tim, lợi tiểu thường dùng, người ta đã dùng các thuốc giãn mạch: Các thuốc thường đung là: Risordan, Lenitral, Nepressol.
4.Điều trị nguyên nhân
5.Phòng bệnh
– Phòng và điều trị thấp tim.
– Điều trị tích cực các bệnh toàn thể có dẫn tới suy tim.
– Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ nghỉ ngơi, ăn uống và sử dụng thuốc khi đã xuất hiện suy tim./.
Trường Cao Đẳng Công Nghệ Y - Dược Việt Nam
HỆ THỐNG ĐÀO TẠO - TUYỂN SINH - TIẾP NHẬN HỒ SƠ SINH VIÊN- Cơ sở Tân Phú (TP. HCM): 12 Trịnh Đình Thảo, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh
- Cơ sở Đà Nẵng: 116 Nguyễn Huy Tưởng, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng
- Cơ sở Đà Nẵng 2: 42 - 46 Phan Châu Trinh, Phường Hải Châu I, Quận Hải Châu, Thành Phố Đà Nẵng
- Cơ sở Bắc Từ Liêm (Hà Nội): 40 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội
- Cơ sở TPHCM : 23-25 Nguyễn Văn Vịnh, Phường Hiệp Tân, Quận Tân Phú, Thành Phố Hồ Chí Minh
- Cơ sở Gia Lai: tầng 3, tòa nhà G2, tổ 4, phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai
- Tư vấn tuyển sinh: 089.6464.666 - 0966.848484